THIẾT KẾ
Thiết kế logo tối giản.
Đơn giản hóa thiết kế của bạn xuống mức tối thiểu và khám phá cách sự đơn giản làm cho logo của bạn có sức nặng hơn. Ngoài ra còn có mẹo thiết kế cho quá trình tạo logo, từ nghiên cứu đến sản phẩm cuối cùng.
Đơn giản là hiệu quả nhất.
Những đường nét gọn gàng, hình khối hình học và thiết kế đơn giản đánh lừa thị giác là đặc điểm không thể thiếu của phong cách thiết kế tối giản. Một logo tối giản sẽ loại bỏ hết những chi tiết trang trí và màu sắc không cần thiết, để tạo ra một dấu ấn có sức ảnh hưởng ngang với một thiết kế phức tạp, nếu không muốn nói là có thể còn mạnh hơn.
Đừng nhầm lẫn chủ nghĩa tối giản với sự đơn điệu hoặc chưa hoàn thiện. Logo tối giản có thể đơn giản, nhưng không hề giản đơn thái quá. Nếu bạn muốn thiết kế logo theo kiểu "nói ít hiểu nhiều", chủ nghĩa tối giản có thể là câu trả lời. Hoặc, nếu bạn muốn một logo hiện đại, gọn gàng để làm mới thương hiệu của mình, hãy tìm cảm hứng từ các nguyên tắc thiết kế tối giản.
Tại sao lại tối giản?
Logo tối giản không dựa vào cách xử lý kiểu chữ phức tạp hay chi tiết trang trí tỉ mỉ để mang lại hiệu quả. Chúng hiệu quả vì thiết kế có sự mạnh mẽ, chỉ vậy mà thôi.
Logo tối giản thường sử dụng hình dạng đơn giản và bảng màu đơn sắc, do đó có thể ứng dụng hiệu quả trên nhiều phương tiện và kích cỡ khác nhau. Từ danh thiếp đến biển quảng cáo, logo thương hiệu hoặc công ty đều phải rõ ràng và hiệu quả. Thiết kế của bạn càng ít chi tiết thì khán giả sẽ càng nhanh chóng nhận ra.
Vì những lý do này, chủ nghĩa tối giản là khởi đầu tuyệt vời cho bất kỳ thiết kế nào, ngay cả khi bạn không muốn tạo ra một logo tối giản. Nguyên lý của chủ nghĩa tối giản nên là một phần của tất cả các logo, để dù bạn thiết kế theo phong cách nào, bạn cũng sẽ có một nền tảng vững chắc ở cốt lõi.
Thiết kế của George Bokhua
Quy trình tiền thiết kế: Hình dung bản sắc thương hiệu.
Nghiên cứu kĩ lưỡng.
Logo doanh nghiệp không chỉ là một ký hiệu, mà còn thể hiện danh tính về hình ảnh của công ty. Danh tính hình ảnh bao gồm mọi thứ từ màu sắc và thiết kế trang web, cho đến bao bì, phông chữ và tất nhiên là cả logo. Hãy tìm hiểu kỹ về khách hàng và lĩnh vực của họ trước khi bắt đầu phác thảo. Hỏi khách hàng về sứ mệnh, giá trị, đặc tính, đối tượng phục vụ, đối thủ cạnh tranh của họ, v.v. Tất cả những thông tin cơ bản này sẽ giúp ích cho thiết kế của bạn.
Thu thập cảm hứng thiết kế.
Bước này quan trọng đối với khách hàng cũng như đối với bạn. Giám đốc sáng tạo Sarah Giffrow cho biết: "Tôi thích thu thập các ảnh mẫu để xem điều gì thu hút họ. Nhiều khi khách hàng biết họ muốn gì, nhưng lại không có ngôn ngữ để diễn đạt." Đây chính là lúc bảng hình ảnh theo chủ đề (moodboard) phát huy tác dụng.
"Bảng hình ảnh theo chủ đề sẽ là một công cụ tham chiếu chung hữu ích trong suốt quá trình" - theo Giffrow. Chọn lọc bộ sưu tập logo, hình ảnh, màu sắc, tín hiệu trực quan và kiểu chữ để trình bày cho khách hàng của bạn. Với các nội dung định hướng trực quan trước mắt, bạn có thể bắt đầu vạch rõ hướng đi mà bạn và khách hàng muốn hướng tới.
Phác thảo và lặp lại ý tưởng logo.
Sau khi đã có hiểu biết và cảm hứng, đã đến lúc phác thảo. Lặp lại thật nhanh và thật nhiều các ý tưởng. Cố gắng để các ý tưởng tuôn trào mà không quá kén chọn; sẽ có thời gian để tinh chỉnh sau.
Nhà thiết kế George Bokhua khuyên: "Đừng cho khách hàng xem bản phác thảo. Có thể khách hàng sẽ khó hình dung ra sản phẩm tiềm năng hoặc sản phẩm cuối cùng. Tôi luôn hối hận khi trình bày các bản phác thảo, vì có một số ý tưởng rất hay đã bị từ chối, một số ý tưởng tồi đã được chọn mà không có tương lai."
Một mẹo khác cho giai đoạn này là chỉ làm việc với màu đen và trắng. Một thiết kế tốt sẽ dùng được dù có màu hay không. Như vậy cũng giúp bạn làm việc nhẹ nhàng hơn và giúp khách hàng tập trung vào thiết kế, thay vì bảng màu.
Thiết kế một vài logo và trình bày.
Sau khi đã có một số chủ đề logo ổn thỏa, hãy chọn ra vài trong số đó để hoàn thiện và trình bày cho khách hàng. Hai hay ba là số lượng lý tưởng để bắt đầu. Theo Bokhua: "Đừng làm khách hàng choáng ngợp trước nhiều lựa chọn. Họ tin tưởng bạn, nhà thiết kế logo, sẽ cho họ xem những sản phẩm tốt nhất." Một số khách hàng ban đầu có thể muốn nhiều lựa chọn, nhưng một ít ý tưởng thiết kế có nội lực còn giá trị hơn 20 ý tưởng nửa vời.
Thiết kế của George Bokhua
Mẹo thiết kế logo tối giản.
Đơn giản để hiệu quả.
Logo thường phù hợp với chủ nghĩa tối giản vì bạn chỉ có một không gian rất nhỏ để thiết kế. Cố gắng đưa vào quá nhiều chi tiết sẽ khiến thiết kế của bạn trở nên chằng chịt ở kích thước nhỏ.
Thiết kế logo phẳng (thiết kế hai chiều không thêm phối cảnh) là một cách phổ biến khác để bạn có thể duy trì phong cách tối giản. Hãy lấy biểu tượng Swoosh nổi tiếng của Nike làm ví dụ. Hình dạng đơn giản, không phức tạp hay nhiều chiều, nhưng đây lại là một trong những logo dễ nhận biết nhất trên thế giới, nhờ vào sức mạnh và sự giản đơn của thiết kế.
Sự đơn giản cũng nên được thể hiện trong cách bạn sử dụng màu sắc. Chủ nghĩa tối giản trong thiết kế nội thất thường sử dụng bảng màu đơn sắc và thiết kế logo cũng không ngoại lệ. Sử dụng màu chủ đạo của thương hiệu hoặc chỉ cần đen và trắng.
Sử dụng các hình dạng hình học.
Bokhua cho biết: "Tôi cố gắng sử dụng các hình dạng hình học gọn gàng và giữ nguyên góc 45 hoặc 90 độ." Ngược lại với kiểu thiên về minh họa, logo tối giản có xu hướng giữ cho hình dạng gọn gàng và cân đối. Để có một logo đơn giản và cân xứng, các nhà thiết kế đồ họa thường sử dụng các hình dạng cơ bản như hình chữ nhật, hình tam giác và hình elip. Bạn có thể dùng thước đo như tỷ lệ vàng để tạo bố cục nịnh mắt.
Tận dụng không gian thông minh.
"Không gian có ý nghĩa rất quan trọng trong chủ nghĩa tối giản" - Giffrow cho biết. Dùng các yếu tố thiết kế ở mức tối thiểu để duy trì cảm giác thông thoáng cho logo của bạn. Điều này sẽ đảm bảo không có gì quá rối ren.
Với không gian hạn chế, không gian âm trở thành yếu tố quan trọng trong thiết kế tối giản. Hãy chú ý đến các khoảng trắng hoặc khoảng cách giữa các yếu tố y hệt như cách bạn chăm chút những chỗ đã đặt nội dung, bởi đó cũng là cơ hội để bạn tăng tối đa ý nghĩa và tận dụng tối đa không gian. Biểu tượng âm dương là một ví dụ tuyệt vời về cách bạn có thể sử dụng không gian âm để tạo tác động trong thiết kế của mình.
Chọn kiểu chữ đơn giản và rõ nét.
Logo không chỉ là một biểu tượng hình ảnh, kiểu chữ cũng rất quan trọng và có thể quyết định sự thành bại của logo. Hầu hết các thương hiệu sẽ đưa tên hoặc chữ viết tắt (chỉ gồm tên công ty) vào gói logo. Điều này nghĩa là phải thiết kế sao có thể nhận diện thương hiệu thông qua kiểu chữ.
Giffrow cho biết: "Tôi thấy rất nhiều logo đẹp lại bị ghép với nội dung chung chung, kém hài hòa với thiết kế. Hãy chọn kiểu chữ trước tiên, điều đó sẽ định hướng cho cả logo."
Hầu hết logo tối giản dùng phông chữ sans serif vì chữ serif có chân làm tăng chi tiết và tạo cảm giác thiên về truyền thống. Nhưng có những thời điểm nhất định mà kiểu chữ serif lại phù hợp với tên và bản sắc thương hiệu. Thử nghiệm với khoảng cách hoặc điều chỉnh từng chữ cái để biến một kiểu chữ tiêu chuẩn thành phông chữ riêng.
Thiết kế của George Bokhua
Làm chủ nghệ thuật tối giản.
"Thật khó để nghĩa ra một thứ gì đó chưa từng được thực hiện trước đây. Hãy bắt đầu bằng một cái đầu trống. Đừng xem trước quá nhiều logo, vì chúng có thể xuất hiện trong đầu bạn và vô thức xuất hiện trong thiết kế của bạn" - Bokhua khuyên. Có thể bạn sẽ thấy rằng dành quá nhiều thời gian xem logo của người khác sẽ khiến bạn bị gò bó, thay vì thổi lửa cho óc tưởng tượng.
Tuy nhiên, bạn vẫn cần xem một số logo để xây dựng bảng hình ảnh theo chủ đề và khơi gợi nguồn cảm hứng sáng tạo tuôn trào. Hãy tìm cảm hứng thiết kế trên Behance để xem những xu hướng thiết kế logo mới nhất được hiện thực hóa và lấy ý tưởng cho mình.
Logo độc đáo sẽ không ra đời chỉ sau một đêm. Chuẩn bị tinh thần là bạn sẽ phải dành thời gian nghiên cứu kỹ lưỡng và thực hiện nhiều lần thì mới tạo được kết quả nổi bật như ý. Nhưng công sức bỏ ra sẽ thực sự xứng đáng. Độ nhận diện thương hiệu là yếu tố chủ chốt trong cuộc chơi kinh doanh, mà một logo tối giản, dễ đọc, dễ nhớ sẽ là lựa chọn tốt nhất để tạo nên danh tính hình ảnh độc đáo, vượt thời gian.
https://main--cc--adobecom.hlx.page/cc-shared/fragments/seo-articles/do-more-illustrator-color-blade