#1e1e1e

THIẾT KẾ

Giới thiệu về thế giới biểu tượng.

Biểu tượng có ở mọi nơi: trên đường phố, trên web, trong chính ngôn ngữ bạn nói. Tìm hiểu cách các nhà thiết kế tạo ra biểu tượng và ký hiệu để truyền tải thông điệp thật trực quan và sáng tạo, xem mẹo về cách tạo ra các biểu tượng hiệu quả.

Khám phá Illustrator

Hai biểu tượng đặt cạnh nhau

Biểu tượng vận hành thế giới.

Từ bản đồ đến biểu tượng cảm xúc, từ bộ bài đến nốt nhạc, chúng ta dựa vào biểu tượng để hiểu thế giới. Biểu tượng là hình ảnh tượng trưng cho một từ, ý tưởng, khái niệm hoặc thậm chí là một âm thanh. Các thương hiệu sử dụng biểu tượng để người tiêu dùng dễ nhận biết hơn và biểu đạt các tính năng hoặc giá trị theo cách dễ hiểu. Mặc dù biểu tượng có tính trực quan cao và rất đơn giản, nhưng để nghĩ ra được một biểu tượng mới thực sự khó hơn bạn nghĩ.

Biểu tượng chữ tượng hình
Biểu tượng hoa diên vĩ
Biểu tượng hòa bình

Dùng biểu tượng để diễn đạt.

Điều gì khiến biểu tượng trở nên phổ biến? Theo nhà thiết kế Alyssa Newman: "Có gì đó ở biểu tượng đọng lại trong chúng ta nhiều hơn là lời nói. Con người là loài có tư duy rất trực quan." Các nền văn minh đầu tiên sử dụng hệ thống biểu tượng để giao tiếp, từ chữ tượng hình Ai Cập cổ đại đến Ngôi sao David hình lục giác có từ thế kỷ 17. Hoa diên vĩ mang tính biểu tượng của Pháp đã được sử dụng trong mọi lĩnh vực, từ hoàng gia Pháp đến thiết kế nội thất, và biểu tượng hòa bình là thứ chắc chắn sẽ được nhận ra ở bất cứ nơi nào bạn đến.

Ngày nay, chúng ta vẫn phụ thuộc vào các biểu tượng như xưa. Các ký hiệu văn bản như dấu chấm than, dấu đầu dòng và dấu tích, nằm trong vốn từ vựng hàng ngày của chúng ta. Ngay cả những biểu tượng đặc biệt như mặt cười hay trái tim cũng được sử dụng cùng với từ ngữ khi chúng ta gửi tin nhắn trên nhiều nền tảng khác nhau.

Ký hiệu dành cho người khuyết tật, phòng tắm nam/nữ, vòi hoa sen và phòng thay tã cho em bé
Nhiều loại biểu tượng khác nhau

Ngoài việc dễ nhớ, biểu tượng còn giúp truyền tải thông điệp nhanh hơn. Nhà thiết kế Jacob Obermiller cho biết: "Chúng cho phép hiểu nghĩa nhanh hơn. Một thông điệp cần năm từ để nói thì chỉ cần một biểu tượng mà bạn có thể tự động hiểu. Ví dụ như biển báo dừng hình bát giác màu đỏ. Bạn thậm chí không cần đọc chữ stop, chỉ nhìn hình dáng và màu là hiểu luôn." Tốc độ rất quan trọng khi lái xe trên đường cao tốc, nhưng cũng quan trọng khi bạn lướt web và cần tìm thông tin thật nhanh.

Biểu tượng cũng tạo ra một ngôn ngữ chung mà tất cả mọi người trên khắp thế giới đều hiểu được. Biển báo nhà vệ sinh, ký hiệu tiền tệ và biển báo giao thông công cộng đều dùng biểu tượng vì lý do này. Một người đi du lịch nước ngoài sẽ dễ bị lạc đường nếu không có biển chỉ dẫn trực quan giúp họ đi đúng hướng.

Làm thế nào để biểu tượng của bạn nổi bật.

Cho dù bạn muốn thiết kế biểu tượng cho logo, ứng dụng mới hay bất kỳ mục đích nào khác, sau đây là một số nguyên tắc thiết kế sẽ hỗ trợ bạn làm nên những biểu tượng nổi bật.

Đơn giản để hiệu quả.

"Đơn giản là hiệu quả nhất. Làm sao cho khi nhìn vào là phải biết ngay biểu tượng đó đại diện cho điều gì" - theo Obermiller. Newman chỉ ra rằng: "Nếu nhìn vào các biểu tượng trên điện thoại, bạn sẽ thấy chúng rất nhỏ. Nếu bạn cố nhồi nhét quá nhiều chi tiết, nó sẽ trở nên rất lộn xộn và bạn cũng không thể thực sự nhìn thấy những chi tiết phức tạp đó." Một biểu tượng hiệu quả sẽ bám sát những điều cơ bản và chỉ mô tả những điều cần thiết. "Như vậy nhìn sẽ dễ chịu hơn và giúp người đọc thấy dễ thở hơn" - Newman nói thêm.

Giữ tối giản nhất có thể và dùng màu đơn giản. Newman khuyên rằng: "Hãy sử dụng các hình dạng hình học rất cơ bản để tạo ra thiết kế ban đầu. Nhớ đảm bảo tính độc đáo."

Nhiều loại biểu tượng khác nhau

Tạo bản sắc riêng.

Không có một hướng đi cố định nào cho mọi biểu tượng; đó chính là vẻ đẹp của thiết kế. Mỗi nhà thiết kế cảm nhận khái niệm theo những cách khác nhau và may mắn là không một biểu tượng nào giống hệt nhau, ngay cả khi đó là khái niệm phổ quát.

Để dễ tiếp thu những ý tưởng mới, hãy đùa nghịch với các hình dạng và nghĩ ra những cách khác nhau để minh họa cho cùng một khái niệm. Hãy tự hỏi xem những từ ngữ hoặc màu sắc nào gắn liền với khái niệm này. Obermiller cho biết: "Một bài tập thú vị là nghĩ đến một biểu tượng hoặc thương hiệu hàng ngày, như biểu tượng khuyết tật, và thử thiết kế ra một biểu tượng mới cho biểu tượng đó."

Thiết kế dựa trên hướng dẫn về thương hiệu.

Nếu bạn được giao nhiệm vụ thiết kế ra biểu tượng hoặc bộ biểu tượng mới cho một công ty, hãy tận dụng tài liệu hướng dẫn về thương hiệu. Có lẽ họ đã dành nhiều thời gian để tạo sự khác biệt với các thương hiệu khác. Do đó, biểu tượng bạn thiết kế nên có một số đặc điểm độc đáo đó. Newman nói: "Điều quan trọng là phải tuân thủ bộ nhận diện thương hiệu để các biểu tượng trông độc đáo và gắn liền với công ty."

Thử nghiệm chính là chìa khóa.

Khi bắt tay thiết kế biểu tượng, chuẩn bị tinh thần phải thử sai nhiều lần trong suốt quá trình. Theo Newman: "Phần lớn công việc là trừu tượng hóa các hình dạng và nhào nặn chúng sao cho tạo ra một hình dạng hoàn toàn mới lạ nhưng vẫn dễ hiểu." Tạo ra thật nhiều khái niệm và lặp lại thật nhanh, đừng lo rằng chúng chưa hoàn thiện. Hãy cho phép bản thân tự do thử nghiệm bất cứ điều gì xuất hiện trong đầu; biết đâu bạn sẽ ngạc nhiên về chính mình trong quá trình này.

Để bắt đầu, hãy xem các thiết kế biểu tượng khác nhau để lấy cảm hứng. Các trang như Behance là cách tuyệt vời để khám phá ý tưởng và nhà thiết kế mới. "Nhưng đừng để bị cuốn vào việc xem tác phẩm của người khác. Hãy làm những gì bạn cảm thấy đúng. Cũng đừng quá ám ảnh với việc phải bắt chước những thứ đang thịnh hành hiện nay. Bạn sẽ có được thiết kế độc đáo của riêng mình nếu không liên tục tham khảo tác phẩm của người khác" - Newman khuyên.


Những người đóng góp

Alyssa Newman, Jacob Obermiller


https://main--cc--adobecom.hlx.page/cc-shared/fragments/seo-articles/do-more-illustrator-color-blade